skip to Main Content
Menu
0947 249 868 - 0935 399 868 sale.thesinhcafetour@gmail.com

Lễ hội hát xoan và sự tích bánh chưng bánh dày xã Kim Đức

Hát xoan còn được gọi là “ca xuân”, nguyên là từ chữ xuân đọc tránh đi, vì chữ xuân là từ huý (tên của một bà vợ Vua Hùng), nên khi hát ở cửa đình phải đọc thành chữ xoan.

Hát xoan có ở các thôn: Kim Đơi, Thét, Trung và Hội thuộc xã Kim Đức – huyện Phù Ninh (Nay thuộc thành phố Việt Trì), thôn An Thái thuộc xã Phượng Lâu- thành phố Việt Trì, thôn Cao Mại – huyện Lâm Thao – tỉnh Phú Thọ.

Việc đi hát ở các cửa đình của các phường xoan đã trở thành truyền thống lâu đời, những người đi hát không phải vì kế sinh nhai mà chính là chịu sự ràng  buộc của một tập tục cổ truyền đó là quan hệ “nước nghĩa” giữa 2 làng phổ biến. Đó là sự biểu hiện của cộng đồng thị tộc trong các công xã thời xưa. Sau này do sự phát triển của quan hệ xã hội và nhiều  biến động về mặt dân cư, nên nhiều nơi mối quan hệ ấy chỉ còn biểu hiện về mặt tín ngưỡng và văn hoá: thờ chung 1 Thành hoàng làng hoặc đi lại thăm viếng nhau, vui chơi ca hát với nhau vào những dịp hội hè… Hát xoan và quan hệ giữa các họ xoan gốc với các đình làng mà các họ xoan đến hát chính là biểu hiện (hoặc tàn dư) của mối quan hệ cộng đồng làng xã về mặt văn hoá và tín ngưỡng. Những người đi hát thường nói rằng: họ đi hát để 2 dân cùng an khang thịnh vượng, tình nghĩa ấy đã được biểu hiện trong câu hát sau đây:

“Dân anh mở tiệc thờ thần

Cao Mại – An Thái hai dân thọ tràng”

Mỗi năm mỗi một lần sang

Giao lân thọ tràng tình nghĩa dài lâu”

Lễ giữ cửa đình của các làng xoan ắt hẳn cũng biểu hiện mối quan hệ gắn bó lâu đời. Xét theo quan hệ thị tộc xa xưa, thì giữa làng đi hát và làng mời hát, trong một giai đoạn lịch sử nào đó, việc ca hát trong và ngoài hội vừa có tính chất giải trí đã trở thành một tập tục và do đó các phường xoan cũng có điều kiện triển khai địa bàn hoạt động của mình. Mỗi phường xoan thường có những cửa đình chính của mình để hàng năm đến hát, cũng có nghĩa là mỗi phường xoan có kết nghĩa với một số làng nhất định. Chẳng hạn: phường xoan ở Kim Đức thường giữ các cửa đình Phù Ninh, Đức Bác, Tây Cốc; phường An Thái thường giữ các cửa đình Cao Mại, Dữu Lâu…; phường xoan thôn Thét thì giữ cửa đình Nông Trang, Kim Xá… Chính vì vậy hát xoan, người ta còn gọi là lối hát cửa đình.

Như vậy, hát xoan tồn tại và những biểu hiện của nó trong sinh hoạt văn hoá mà đến nay chúng ta còn biết được là thể hiện loại dân ca lễ nghi – gắn với phong tục hội mùa và thờ Thành hoàng. Do đó, vấn đề nguồn gốc lịch sử của một lối hát cụ thể cũng không thể tách rời đặc trưng thể loại và bản chất xã hội của lối hát đó.

Trong cuốn “Sơ yếu lý lịch văn hoá nguyên thuỷ” của Côtsven cho biết: “… Ngay từ thời nguyên thuỷ đã có hội mừng. Trong trình tự của hội mừng chúng ta thấy âm nhạc kết hợp với nhảy múa thấy sự biểu hiện của những lễ nghi… sau hết còn thấy cả sự biểu diễn độc đáo của người nguyên thuỷ”.

Trong việc phân loại Phônclo, Guxep(1) có đề cập đến những bài ca lễ nghi lịch tiết, những bài ca đó bao gồm sự phù phép của những lực thiên nhiên… liên hệ đến những công việc làm ruộng… biểu hiện những xúc động, ý chí của con người và những ý muốn mạnh mẽ, sự thực hiện những ý muốn này có liên quan đến sự can thiệp, sự phù trợ của  những lực lượng siêu nhiên, huyền bí. Những bài ca này có liên quan đến những đặc điểm thế giới quan của con người trong xã hội tiền giai cấp và những thế giới quan trong ý thức của quần chúng nhân dân trong xã hội giai cấp.

bvsd

Như vậy, đặc điểm lớn nhất của thể loại dân ca lễ nghi phong tục là sự gắn bó của chúng với điều kiện và hoàn cảnh canh tác của nhân dân thời xưa.

Đối với sinh hoạt hội hè vốn gắn bó với điều kiện canh tác ở nước ta thì “những ngày  hội ở mùa xuân” là phổ biến nhất. Điều này không phải là ngẫu nhiên vì theo điều  kiện thiên nhiên và tập quán canh tác của cư dân trồng lúa nước ta thời xưa, thì mùa xuân là mùa gặt cũ đã qua, vụ gặt mới chưa tới, lại là lúc thời tiết tốt đẹp nhất trong 1 năm, họ thường mở hội mừng vụ thu hoạch trong năm qua và cầu chúc cho mùa màng năm tới bội thu, thiên nhiên hoà thuận, nhân khang vật thịnh.

Chính vì lý do này mà nhân dân một số vùng trong tỉnh Phú Thọ có lối hát trong hội đám là hát xoan (hát xuân). ở những vùng thuộc đồng bằng và trung du bắc bộ cũng có lối hát vào đám như trên tức là tế thần vào mùa xuân như vậy, nhưng được gọi với những cái tên khác nhau: hát Do ở Hà Tây, hát dặm ở Nam Hà và hệ thống múa hát ở Đông Anh;  Xuân Phả;  Thanh Hoá.

Ngày hội của các địa phương không giống nhau, chúng tuỳ thuộc vào tập tục từng địa phương và trước hết  là tuỳ thuộc vào ngày lễ các thần Thành hoàng làng được thờ trong các đình làng. ở một số bài hát xoan chúng ta có thấy nói đến những “Vua” và “Vua” ở đây thật ra là thần Thành hoàng làng, đấng thần linh:

“Vua về vâng hộ                    Vâng chuối vâng mít

Giáp Đông giáp Tây              Vâng nhãn vâng quân

Vua về vâng hộ                     Vâng hết cây cần

Giáp Nam giáp Bắc              Bắc Mùi bui túi hẹ

Vua về vâng khắp                 Vua lại vâng đậu

Của đậu của nhà                  Quả dài nhánh ra

Vua về vâng cà                     đạp một nhánh ra

                     Một cây ba bị                       Cho ba đấu rưỡi…vv”

(Trong giáo pháo)

Trong hát xoan có mối quan hệ với phong tục thờ thần Thành hoàng không chỉ biểu lộ trong một số bài hát mang tính khẩn nguyện, mà biểu lộ trong cả những truyền thuyết dân gian mà nhân dân ở những nơi có hát xoan muốn dùng để giải thích nguồn gốc của nó.

Các nghệ nhân trong phường xoan thôn Phù Đức (xã Kim Đức) kể rằng: “Ngày xưa có 3 anh em Vua Hùng đi tìm đất có qua thôn Phù Đức vào buổi trưa và nghỉ lại một khu rừng gần thôn. Từ khu rừng này các vị quan lang nhìn ra bãi cỏ trước mặt, thấy có một đám trẻ chăn trâu chơi vừa hát và đánh vật, kéo co. Thấy vậy, Đức Thánh cả  liền bảo những người đi theo đem những bài hát mà họ biết dạy thêm cho lũ trẻ. Về sau, cứ hàng năm đến ngày 13 tháng chạp âm lịch dân làng phải làm bánh nẳng để cúng vào buổi trưa và thịt bò vào buổi chiều để thờ Đức thánh (nguyên là ngày xưa Đức thánh đi qua thôn, dân làng đã đãi hai món ấy). Tới ngày mùng hai,  mùng ba (tháng giêng Âm lịch) thì dân Phù Đức mở hội cầu, trong hội cầu, họ diễn lại cảnh hát xướng, kéo co, đánh vật ở bãi. Lệ làng hàng năm chỉ  hát xướng, cầu chúc bắt nguồn từ sự việc ấy.

Làng Cao Mại (huyện Lâm Thao) có một truyền thuyết như sau:

“Vợ Vua Hùng mang thai đã lâu tới ngày sinh nở, cứ đau bụng mãi mà không đẻ được. Người hầu tâu rằng: Có nàng Quế Hoa xinh đẹp, múa giỏi, nên đón về múa hát có thể làm đỡ đau và sinh nở được, vợ Vua Hùng nghe lời cho mời nàng Quế Hoa tới (Quế Hoa ở thành Phong Châu), vâng lời triệu, Quế Hoa đến chầu vợ Vua. Bấy giờ, vợ Vua đang lên cơn đau đẻ dữ dội mới bảo nàng Quế Hoa đứng trước giường múa hát. Quế Hoa hát hay, tay uốn chân đưa, người mềm như tơ, dẻo như bún ai cũng phải mê. Vợ Vua mải xem múa hát không  thấy đau, sinh được 3 người con trai khôi ngôi đẹp đẽ. Khi ấy đang mùa xuân, Vua Hùng hết lời khen ngợi Quế Hoa mới bảo các Mỵ nương học lấy các điệu múa hát ấy sau được gọi là hát xoan”.

Cũng có truyền thuyết giải thích rằng: Xoan là từ gọi chệch tiếng xuân (vì vợ Vua tên thật là Xuân). Do tục kiêng kị tên huý, nên hát Xuân được gọi là hát xoan.

Những truyền thuyết như thế đều có thể thấy ở những làng có phường xoan gốc hoặc những làng thường mời phường xoan đến hát, chúng đều nhằm mục đích giải thích nguồn gốc  và sự tích hát xoan.

Những truyền thuyết chỉ là sự mô phỏng và phóng đại điển hình những sự kiện, những phong tục sinh hoạt và trí tưởng tượng của nhân dân thời xưa. Chúng chưa phải là những sử liệu cụ thể, chính xác. Nhưng qua những truyền thuyết trên, bên ngoài vỏ  hoang đường và nhiều chi tiết thêu dệt phóng đại, chúng ta có thể tìm thấy mộ hạt  nhân hợp lý, đó là mối quan hệ trực tiếp giữa tín ngưỡng Thành hoàng với một hình thức dân ca phong tục – lễ nghi gắn với nó. Kết quả là những truyền thuyết ấy đã chứng minh cho ta thấy nguồn gốc xã hội – kinh tế của hát xoan: Nó được sinh ra và phát triển cùng với việc tế thần, cầu chúc thịnh vượng và mùa màng tươi tốt trong cư dân nông nghiệp ở vùng này từ thời cổ xưa. Mới đầu chúng là một lối hát cúng tế rất đơn giản và thô sơ trong hội hè đình đám, sau do sự duy trì của tập tục tế thần mà hát xoan cũng biến đổi và phát triển, những tiết mục trong diễn xướng  ngày càng phong phú và phức tạp như ngày nay.

Qua việc tìm hiểu ở trên, chúng ta  có thể kết luận rằng: Hát xoan là tiếng hát của quần chúng nhân dân lao động, bắt nguồn từ những phong tục tập quán của cư dân nông nghiệp, nhưng khi đưa vào cửa đình thì hát xoan được mang theo những yếu tố có tính chất khẩn nguyện như tiết mục Giáo trống, giáo pháo, thơ mang, đóng đám. Những điều trên, tuyệt nhiên không cung cấp cho chúng ta một tư liệu hoặc căn cứ nào để xác định những mốc phát triển lịch sử cụ thể của hát xoan. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta buộc phải phân tích những gì có thể phân tích được ngay trong bản thân  hát xoan.

Một quyển sách chép lại những quả cách trong hát xoan mà những quả cách này mới chỉ là một bộ phận ra nhập vào hát xoan muộn hơn giai đoạn nguyên thuỷ của nó, đề là “ca xoan cách” chép lại năm “Thành Thái tam niên” (tức là năm 1891). Quyển sách ấy với tư cách là một tác phẩm thành văn, nội dung của nó đã cung cấp cho chúng ta một số tư liệu phản ánh thời kỳ thịnh vượng của chế độ phong kiến Việt Nam thời Hậu Lê – thế kỷ XV.

Việc khẳng định diên cách, bờ cõi nước ta thời Hậu Lê sau chiến thắng chống quân Minh được nhắc đến như sau:

“Nhà tôi nhà Lê

Là sông Bồ Đề

Là núi Việt Nam

Trở về thiên hạ”

(Trong giáo pháo)

Chính sách cải cách ruộng đất của nhà Lê sau chiến tranh đã có tác dụng thúc đẩy nông nghiệp phát triển sau thời kỳ khủng hoảng triền miên cuối đời Trần và sau những năm kéo dài của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Sự phát triển ấy được ghi nhận trong câu hát:

“Tứ mùa xoan cách

Vào thủa tháng xoan

Lê Hoàng làm chúa

Làng đây tốt lúa

ăn uống no say”

(Trong tứ mùa cách)

Như vậy, là khoảng thế kỷ XV, dưới các triều Hậu Lê, một số mảng của hiện thực xã hội trên đất nước ta đã được phản ánh khá rõ nét trong hát xoan, điều đó chứng tỏ hát xoan có một quá trình lịch sử lâu dài. Vào thế kỷ XV, hình thức ca hát này đã có một bước phát triển khá sâu sắc, nếu không nói là một bước ngoặt trong lịch sử phát triển văn hoá tư tưởng của dân tộc ta.

Hát xoan là tiếng hát của người dân lao động bắt nguồn từ những tập quán, phong tục, sinh hoạt văn hoá dân gian. Lúc đầu có thể chỉ là  hình thức cúng tế đơn giản trong những dịp hội hè sau được phát triển thành loại hình âm  nhạc phổ biến rộng rãi như ngày nay.

Về mặt nội dung tư tưởng: hát xoan phản ánh đạo lý Vua tôi, cái nghĩa cái tình của vợ với chồng, của con cái đối với cha mẹ. Bên cạnh nội dung ca ngợi cuộc sống sản xuất, hát xoan còn là tiếng nói tình cảm, là nguyện vọng và những ước mơ đạt được cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân lao động. Hát xoan còn là cầu nối cho sự đoàn kết giữa tình làng nghĩa xóm, giảm đi ranh giới sang, hèn trong xã hội. Đó là tiếng nói trữ tình hướng tới tương lai hạnh phúc, an khang, thịnh vượng của người dân lao động.

* Các thức tổ chức:

Hát ở đình làng, trước khi hát có tổ chức tế lễ.

+ Thời gian: Hát vào buổi tối từ mùng 1 đến mùng 5 tết (có khi hát qua đêm đến sáng).

+ Địa điểm: Đình làng (nơi cửa đình – nơi thờ thần linh, thờ Thành hoàng làng).

+ Số người tham gia: 12-16 người (1 ông trùm, 4 kép, 6-8 cô đào).

+ Đạo cụ: Trống, phách, quạt và quyển sách chữ nôm.

+ Trang phục:

– Các đào: Đầu vấn khăn, quần láng, áo the thâm, thắt lưng đen, bao xanh, hồng.

– Các kép: Đầu quấn khăn lượt, áo the thâm, quần trắng, cổ quàng khăn nhiễu.

– Ông trùm: áo the, khăn xếp.

* Quy trình biểu diễn:

Gồm có hai phần chính: hát trong cửa đình và hát ngoài cửa đình..

– Hát trong cửa đình hay còn gọi là hát thờ  (phần lễ)

– Hát ngoài cửa đình hay còn gọi là hát hội vui sau khi đã hát thờ xong (phần hội).

* Phần hát thờ (phần lễ)

Gồm có các bài hát: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám, 14 quả cách.

Mở đầu cuộc hát, ông trùm đứng trước hương án hát chúc là bài khẩn nguyện có tính chất nghi thức, đọc theo lối văn sớ. Sau đó các kép ra hát giáo trống, giáo pháo, tiếp theo là các đào hát thơ nhang, đóng đám, quả cách.

Phần trình diễn các quả cách là những bài thơ được các nhà nho bình dân sáng tác bằng chữ  nôm gồm 14 quả cách.

* Phần hát ngoài cửa đình (hát hội)

Gồm các bài hát : Bợm gái, bỏ bộ, xin hoa đố chữ, gài hoa, hát đúm, giã cá (mo cá), hát thi, hát nước nghĩa.

Cũng trong những ngày hội xuân, ở một số làng xã có những ngôi đình cổ, sau khi tổ chức hát xoan còn tổ chức hội. Trong hội có nhiều trò diễn dân gian được bảo lưu truyền thống như : múa sư tử, sự tích Hoàng tử Lang Liêu làm bánh chưng bánh dày dâng Vua cha cúng tế trời đất…

fgsd

“…Ngày xưa khi Hùng Vương thứ 6 đánh tan giặc Ân, đất nước thái bình, Hùng Vương đã già, muốn được nghỉ ngơi, bèn có ý định truyền ngôi cho một trong 24 người con trai. Ngài xuống chiếu, liền gọi các hoàng tử kiếm mỗi người một lễ vật quý nhất để dâng lên tổ tiên, lễ vật của ai tỏ lòng hiếu thảo thì được nhường ngôi cho. Hai mươi ba người anh sai người đi khắp thiên hạ tranh tìm sơn hào, mỹ vị. Riêng vợ chồng Lang Liêu là sống với dân làng, lam lũ làm ăn, không biết tìm thứ gì là ngon lạ nhất thì  liền trong giấc mơ, có bà tiên mách bảo chàng: Vật gì nuôi sống được con người thì vật đó quý nhất. Vợ chồng Lang Liêu dùng gạo nếp để làm bánh dày và bánh chưng, tượng trưng cho trời tròn đất vuông . Trong bánh chưng có thịt mỡ và đậu xanh. Lá gói ngoài màu xanh tượng trưng cho cây cỏ xanh tốt, đó còn là sự đùm bọc của muôn loài trong thiên hạ. Vua Hùng rất hài lòng với lễ vật của con út và truyền trong dân gian chọn hai thứ bánh ấy dâng cúng tổ tiên vào ngày tết hàng năm. Vua truyền ngôi cho chàng và Lang Liêu trở thành Hùng Vương thứ 7”

Xã Kim Đức ngày nay hàng năm vẫn tổ chức làm bánh chưng, bánh dày vào mùa xuân để mừng hội làng, các cụ kể rằng: Ngày xưa khi Vua Hùng đi kinh lý qua làng thì dân làng tổ chức làm bánh dày, bánh chưng để dâng Vua.

* Cách thức tổ chức:

Không gian: ruộng lúa của Lang Liêu, cảnh nhà của Lang Liêu, nơi dâng bánh đền Trung.

Thời gian làm bánh: buổi sáng

địa điểm tổ chức giã bánh dày, gói bánh chưng: Sân đình

Thành phần tham gia: Vợ chồng Lang Liêu và dân làng.

Số lượng người giã bánh dày: 12 người thay nhau giã (nam, nữ chưa có chồng, vợ).

Nguyên liệu và đạo cụ giã bánh dày: chày bằng tre, cối giã (cối đá tự nhiên), lá dong, đỗ xanh, gạo nếp cái .

Số lượng người gói bánh chưng: 8 đến 12 người (phải là nam, nữ chưa có vợ, chồng).

Nguyên liệu và đạo cụ nấu bánh chưng: nồi nấu bánh, gạo nếp cái, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong, lạt dang buộc, củi nấu.

Khi làm bánh xong, 4 cô gái đội bánh cùng vợ chồng Lang Liêu và dân  làng rước bánh và dâng vào lễ ở đình làng. Lễ xong, dân làng trở ra sân xem diễn múa sư tử.

Các cụ nghệ nhân múa sư tử ở làng Kim Đức kể rằng: “Xưa ở làng có một người tiều phu đi kiếm củi, giữa rừng sâu, chàng gặp một con vật rất lạ, trông thật hung dữ, con vật chồm  lên định ăn thịt chàng, nhưng với sức mạnh của mình người tiều phu dùng gậy (cành cây) đánh lộn với con vật, cuộc vật lộn kéo dài tới khi con vật đã mệt ngã lăn ra, chàng dùng dao chặt đầu con vật đem về. Trên  đường về chàng gặp đoàn người đi săn của nhà Vua, nhà Vua thấy lạ khen chàng tài giỏi, phong chàng là võ sĩ và gọi tên con vật là Sư tử. Từ đó đến nay, làng Kim Đức vẫn tổ chức tế và múa sư tử vào cùng dịp  hát xoan hàng năm”.

Lễ hội hát xoan xã Kim Đức huyện Phù Ninh là một lễ hội tiêu biểu phản ánh nét sinh hoạt văn hoá dân gian mang tính chất cửa đình của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Với cách diễn xướng khá độc đáo, với nội dung phản ánh các mối quan hệ xã hội, gia đình, làng xóm và tình cảm gắn bó với quê hương, với thiên nhiên quanh mình đã nói lên tính  nhân văn, nhân bản sâu sắc của cư dân làng Kim Đức thể hiện trong lễ hội hát xoan vào mùa xuân hàng năm.

Lễ hội hát xoan làng Kim Đức, xã Kim Đức, huyện Phù Ninh (nay thuộc thành phố Việt Trì) thực sự là một lễ hội mang đậm bản sắc của văn hoá dân gian vùng đất Tổ, không những góp phần làm phong phú bức tranh lễ hội dân gian ở Phú Thọ mà còn biểu hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của các thế hệ người dân nơi đây. Đó là bản chất quan trọng để lễ hội trường tồn cùng thời gian, năm tháng.

Phạm Thị Thiên Nga (Về miền Lễ Hội cội nguồn dân tộc Việt Nam – 2008)

Contact Me on Zalo
Back To Top
0947 249 868